Đời tù Hải Quân Trung Úy Nguyễn Thành Trạng và cuộc ‘nổi loạn’ đêm Giáng Sinh 1978
Văn Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Được gia nhập quân chủng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) để thỏa chí hải hồ, cưỡi lên đầu ngọn sóng trong những chuyến hải hành là mơ ước của bao thế hệ thanh niên thời tao loạn. Chàng sinh viên Nguyễn Thành Trạng cũng trong số đó, xếp bút nghiên lên đường tòng quân.
Tiếp phóng viên Người Việt tại công viên Bowling Green, Westminster, ông Trạng kể: “Sau trận Mậu Thân 1968, khi tôi đang là sinh viên Đại Học Khoa Học Sài Gòn thì Cộng Sản mở đợt tấn công vào miền Nam, cùng lúc lệnh tổng động viên được ban hành. Lúc ấy, sẵn mộng hải hồ, tôi bèn xin gia nhập quân chủng Hải Quân đang tuyển Khóa 20 Sĩ Quan Hải Quân tại Nha Trang.”
“Nhưng sau đó Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam gởi tôi qua Mỹ học khóa Hải Quân và tốt nghiệp Khóa 6 trường OCS (Naval Officer Candidate School), bản doanh tại Newport, tiểu bang Rhode Island, Hoa Kỳ. Đây là một trong những trường đào tạo sĩ quan Hải Quân nổi tiếng của Hoa Kỳ, từng có sáu vị tổng thống Hoa Kỳ xuất thân từ trường này, đó là các cựu Tổng Thống John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson, Richard Nixon, Gerald Ford, Jimmy Carter, và George H. W. Bush,” ông nói.
Ông Trạng cho hay lúc mới ra trường Hải Quân OCS, kỷ niệm đẹp không bao giờ quên trong đời là khi ông được làm phụ tá sĩ quan trưởng phiên hải hành, phụ giúp người chỉ huy thâm niên hơn, mục đích là để cho cơ thể chịu được những cơn say sóng, thích ứng với sóng gió, làm quen với đối vật trên biển.
“Tàu đi tuần sáu ngày mới được lên bờ một lần, ai đã từng là chiến sĩ Hải Quân mới biết cơ thể phải chịu đựng say sóng khổ sở như thế nào, đến nỗi có câu thơ được lưu truyền ‘Hỡi biển cả giờ đây ta mới biết/ Mộng hải hồ giết chết cuộc đời trai.’ Khi ra biển mới biết say sóng như thế nào, có những cơn say sóng phải ói ra bọt, tới mật vàng, cuối cùng là ói ra máu,” ông nhớ lại.
“Nhớ nhất là lần đầu tôi đi biển, ra tới Côn Đảo khi trở vô bờ, nằm nhìn lên trần của chiến hạm thấy quay cuồng, những con số trên tờ lịch chập chờn lên xuống như trên sóng biển, nhưng rồi cơ thể cũng quen dần. Kinh nghiệm của tôi để quen với sóng gió là đừng thức khuya, nhất là mấy anh em hay nhậu với bạn bè thâu đêm suốt sáng trước khi ra khơi là coi như tiêu,” ông vui vẻ kể.
Lúc đó ông Trạng thường xuyên đi tuần trên chiếc hộ tống hạm Nhật Tảo HQ.10 do Hải Quân Thiếu Tá Lê Văn Thự chỉ huy, sau đó do Hải Quân Trung Tá Nguyễn Thái Lai chỉ huy, đi tuần từ vĩ tuyến 17 Vùng 1 Duyên Hải cho tới Vùng 5 Duyên Hải, từ Côn Đảo cho tới mũi Cà Mau.
Sau hai năm, ông được đổi về Giang Đoàn 47 Ngăn Chận, hoạt động vùng Đồng Tháp Mười, Mộc Hóa, Tuyên Nhơn, Tuyên Bình, Mộc Hóa, Kiến Tường, thuộc Vàm Cỏ Tây. Sau đó lại về Giang Đoàn 44 Ngăn Chận, hoạt động vùng Bến Lức, Nhật Tảo, Lương Hòa Thượng, Lương Hòa Hạ, Hậu Nghĩa, Trà Cú, Trảng Bàng, thuộc Vàm Cỏ Đông.
“Tàu của tôi thường đi tuần trên sông rạch, phối hợp với Bộ Binh, tùy theo tàu, có khi chở lính Bộ Binh đi hành quân, tối đi tuần tiễu trên sông, cũng có mấy lần đụng độ Việt Cộng, bị phục kích mấy quả B40 nhưng may không hề hấn gì. Tôi thấy thương hết sức những người lính chiến miệt Kiến Tường, Đồng Tháp Mười, nhất là những anh em ở trong đồn ‘Ba Thằng Minh,’ suốt ngày trấn thủ trong đồn, cả vợ con người lính cùng ở trong đó, chiến đấu rất gan lì. Lúc đó tôi là thiếu úy, cấp nhỏ nên nhiều khi ở cùng với họ mới hiểu được đời lính Địa Phương Quân và Nghĩa Quân như thế nào, họ chính là những anh hùng!” ông Trạng kể qua đời lính của mình lúc hoạt động trên các vùng sông rạch.
Dùng dằng nửa ở nửa đi ngày 30 Tháng Tư
Tối ngày 29 Tháng Tư, 1975, ông Nguyễn Thành Trạng và đồng đội còn trên chuyến tàu phòng thủ hải cảng Vũng Tàu, lúc đó đang ở vùng cửa biển Cần Giờ, đang chờ lệnh có thể di chuyển qua Côn Đảo hoặc Phú Quốc. Tới sáng 30 Tháng Tư, 1975, qua radio nghe được lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh, kêu gọi quân đội bỏ súng đầu hàng, ông bần thần.
“Lúc đó rất nhiều tàu lớn từ Sài Gòn ra tới Cần Giờ, nếu muốn theo đi luôn cũng dễ. Nhưng tôi quyết định ở lại, theo chiến hạm 457 của Đại Úy Dương Ngọc Chấn, từ ngoài biển vô bờ. Đến chiều 30 Tháng Tư, ông Chấn ghé tàu vô bờ, tôi đổi ý, lại muốn đi theo tàu ông Chấn ra khơi, khi chạy tới Côn Đảo thì hạm đội Việt Nam đóng ở đó đã rút hết đi qua vịnh U.S Naval Subic ở Philippines hết rồi. Cuối cùng ông Chấn lại quay trở về Vũng Tàu, nên tôi cũng ở lại luôn,” ông kể thêm.
“Coi như số phận dung rủi cho tôi phải ở lại quê hương, kéo dài thêm 6 năm 8 tám tháng 20 ngày ở tù trong ‘trại cải tạo,’ nhưng nhờ vậy mà tôi có dịp hiểu Cộng Sản nhiều hơn. Qua đây những khi họp cộng đồng mới giải thích cho các em hậu duệ VNCH, hoặc các em sinh ra ở Mỹ biết được Cộng Sản là như thế nào,” ông Trạng nhớ lại thời gian đi qua nhiều trại tù.
Rồi ông bắt đầu đời tù tại trại Rạch Dừa, Vũng Tàu, nơi tập trung khoảng vài trăm quân nhân đủ các binh chủng, chờ sáng hôm sau Việt Cộng cho xe chở vô Long Khánh, nhốt tới trưa, đưa thêm một số quân nhân Sư Đoàn 5, Tiểu Khu Bình Dương, cùng các anh em các nơi khác tập trung về, chờ sàng lọc lại, một số đưa ra Bắc.
Ở trại Long Khánh khoảng hơn một năm, ông lại bị chuyển về Thành Ông Năm, Hóc Môn, nơi có nhiều trại từ T1 đến T6, trại cuối cùng là nhốt riêng nữ quân nhân.
Những chuyện kể trong đời tù
Riêng trại T4, nơi ông Trạng ở, được bọn cai tù liệt kê là trại “đại phản động,” gồm nhiều thành phần chống “cải tạo,” mà người tù đặt tên là “Trại Trừng Giới.” “Trong đó có một người tù bất khuất, anh Võ Văn Tưng, người được anh em rất kính nể, khi lúc mới vô nhốt ở Hóc Môn, ai cũng phải học 10 bài thu hoạch chính trị, sau đó làm bài tổng kết thu hoạch,” ông nhớ lại.
Ông kể: “Thường bọn cai tù hay nhục mạ quân nhân Quân Lực VNCH là bọn phản quốc, chạy theo đế quốc Mỹ, là có tội với tổ quốc Việt Nam. Riêng anh Tưng không đồng ý, lý luận với bọn cai tù rằng nếu chúng tôi có tội, thì chỉ có tội với đảng Cộng Sản Việt Nam, chứ không có tội với Tổ Quốc Việt Nam. Nếu có tội thì tất cả người miền Nam đều có tội với tổ quốc hết sao? Không được nhập nhằng gán ghép Tổ Quốc Việt Nam và đảng Cộng Sản là một, hai danh từ này hoàn toàn đối nghịch!”
“Bọn cai tù tức tối nhốt anh Tưng vào conex (loại thùng lớn bằng sắt, như một nhà kho nhỏ quân đội Mỹ dùng để chứa đồ), để riêng một mình, nửa đêm bọn chúng ria hàng loạt đạn vô, lủng hết khắp thùng. Sáng ra bọn chúng chắc mẩm anh Tưng đã chết, nhưng khi mở cửa bọn chúng mới biết anh còn sống. Hóa ra khi bọn chúng ở ngoài rải đạn, chúng chỉ bắn ở phía dưới chân của conex, nhưng anh Tưng chắc có võ, đã nhảy lên bám vào nóc bên trên, nên thoát chết, chỉ bị nát bàn chân. Bọn chúng thấy vậy bèn đem anh nhốt lại vào conex, không cần chữa trị cho anh,” ông Trạng kể chuyện về người tù thoát chết.
“Có lúc mấy anh em tù khi đem cơm tiếp tế thường lấy chút cơm trộn với viên B1, hoặc đường để ăn cho có chất. Mấy năm liền như vậy, mỗi ngày chỉ được ra ngoài trời 15 phút để tắm rửa, cơ thể chỉ còn da bọc xương, vậy mà anh Tưng không chết, chân từ từ lành hẳn,” ông cho hay.
Ông Trạng kể thêm: “Sau đó bọn cai kêu anh Tưng lên làm bài thu hoạch như cũ, anh vẫn không chịu làm, lại bị nhốt riêng một chỗ riêng biệt ở khu biệt lập. Có hôm tôi được vô dọn dẹp vệ sinh, thấy da anh trắng bệt vì không có ánh sáng trời, như bộ xương khô biết đi, tôi chỉ đứng chào, và anh Tưng có gởi lời thăm anh em, sau đó anh trở vô conex liền.”
Chuyện “kinh khủng” xảy ra lần đầu ở Đội 3/T4
Một giờ đêm rạng sáng ngày 2 Tháng Chín, 1978, ở T4 có một nhà sơn trắng rất lớn, kế bên Đội 3 ông Trạng đang ở, bên ngoài hội trường xảy ra một việc náo động cả khu trại. “Đó là bức hình Hồ Chí Minh trên bàn thờ bị đập phá tan, bị trét phân vô mặt, kèm theo những câu khẩu hiệu ‘Đả đảo đảng Cộng Sản Việt Nam độc tài khát máu, tay sai Nga Xô và Trung Cộng,’ ‘Hoan hô tinh thần chiến đấu của Quân Lực VNCH,’ ‘Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm’… tất cả đều viết bằng lối khắc chữ in trên giấy để không thể nhận diện được nét chữ của ai. Sáng hôm sau Bộ Chỉ Huy đến không phải để dẹp loạn, mà chúng chỉ chụp hình hiện trường sau đó gọi lên Quân Khu 7, là cấp lớn xuống giải quyết,” ông kể.
“Chúng tập hợp cả T4 lại, sau đó đưa giấy bắt mọi người viết chữ trên đó để truy tìm thủ phạm. Nhờ chúng tôi cảnh giác trước, chỉ khắc chữ bằng dao, viết bằng chữ in hoa nên cai tù không nhận diện được chữ viết của ai. Bọn chúng tức tối truy lùng thêm ba lần nữa cũng không tìm ra manh mối. Từ đó trở đi chúng luôn nghi ngờ Đội 3 của bọn tôi chuyên môn xách động chống lại chúng. Đặc biệt chúng luôn nghi ngờ tôi là một trong những người chủ mưu,” ông Trạng cười cho biết.
Ông kể tiếp: “Một buổi trưa, bọn chúng kêu tên một nhóm người, đưa đến một nơi khác để ‘học tập’ tốt hơn, trong đó có tôi, hành trang lên đường mỗi người được một nắm cơm và con cá khô, chuyển thẳng lên trại Suối Máu, Tân Hiệp. Khi đang xét đồ ở cổng trại, tên sĩ quan bộ đội lớn giọng gọi giật ngược. Có chuyện gì nữa đây? Sau khi tôi xưng danh tánh, hóa ra bọn chúng cho biết chọn tôi làm nhà trưởng.”
“Tôi nghĩ ngay trong đầu là bọn cai tù đã có ý nghi ngờ tôi là kẻ cầm đầu trong những chuyện lộn xộn xảy ra trong tù, nên cho tôi làm nhà trưởng là có ý theo dõi tôi, chứ chẳng có gì tốt lành cả, từ đó tôi càng để ý nhiều hơn đến những mưu mô xảo quyệt bọn chúng giăng bẫy để bắt tôi,” ông kể thêm.
Khoảng hai tháng sau, trại Suối Máu do quân đội cai quản bàn giao lại cho công an quản lý. “Bọn giám thị công an cho sắp xếp lại, gọi là Đội, có từ K1 đến K6, riêng K6 dành cho những người bệnh,” ông cho hay.
Ông Trạng thuộc K1, được chỉ định là đội trưởng Đội 13 kiêm trưởng khối an ninh trật tự của trại, ngoài ra có khối báo chí văn nghệ, khối vệ sinh. Trong nhiệm vụ này, ông Trạng đã âm thầm giúp các anh em trong K1 những lúc phá kẽm gai đi qua các trại khác, khi bị bắt về có lúc bị đánh, ông Trạng phải lên xin xỏ đủ điều để lãnh về. Cũng có những buổi họp của các binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, hay Biệt Động Quân, Hải Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh… với đầy đủ lễ nghi quân cách.
Cuộc biểu tình lịch sử trong trại tù Suối Máu
Để chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh năm 1978, ông Nguyễn Thành Trạng kể: “Trước đó mấy anh em Công Giáo khi đi đào giếng đã móc đất sét về nặn tượng Chúa Hài Đồng, Ba Vua và các thiên thần, còn hang đá thì làm bằng giấy bao xi măng phết lên lớp bồ hóng đen rất giống như đá thật, có cả những chú lừa bên máng cỏ.”
“Phải nói đêm dâng Thánh Lễ Giáng Sinh đầu tiên trong trại tù thật nhiều cảm xúc, khi toàn thể các tù nhân ban đầu khoảng vài chục người tham dự, tụ họp ở khoảng đất sân sau của Đội 16 thuộc K1. Nhưng sau đó toàn thể anh em trong tù, cả lương và giáo gần 6,000 tù nhân ở các K trong trại, cùng lúc dự lễ trong khung cảnh thiêng liêng, dự định do Linh Mục Trần Văn Thông làm chủ lễ, nhưng chưa kịp thực hiện thì bị giải tán, anh em nhanh chóng đưa ông về trại an toàn,” ông kể tiếp.
“Cũng có tổ chức Lễ Giáng Sinh theo từng K, mọi người có một đêm Giáng Sinh vui vẻ, nhưng khoảng gần nửa đêm, khi bầu trời đêm vắng lạnh bỗng vang lên tiếng chuông vọng lại từ các nhà thờ ở Hố Nai, cùng lúc nghe tin ở K1 đang tổ chức Giáng Sinh bị bọn công an lao vô nhanh chóng bắt ba anh Rĩnh, Hoàng, và Bé lôi ra ngoài, đóng cổng lại,” ông kể thêm.
Sau đó là biểu tình, cuộc đối đầu nổ ra với tất cả âm thanh vang rền của các ca, muỗng, thùng sắt và tất cả những gì có thể gõ được, do tất cả các K đồng loạt hưởng ứng.
Ông cho hay: “Lúc đó toàn trại Suối Máu chìm trong bóng đêm, nhưng tất cả anh em trong tù khoảng hơn 6,000 người từ K1 đến K5 đều tụ tập tại sân bóng chuyền bên ngoài, cùng hát vang bài hát Giáng Sinh ‘Hang Belem’ sáng tác của Hải Linh-Minh Châu với câu hát quen thuộc ‘Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời/ Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa…’”
Lời bài hát cứ lặp đi lặp lại vang lên êm đềm, tha thiết vang khắp cả trại khiến cai tù tức tối, tất cả bộ đội, công an với súng ống chạy rầm rập, tiếng đạn lên nòng, tiếng súng bắn ngoài trại, cả tiếng bánh xe thiết giáp của Tỉnh Đội Đồng Nai tăng cường chạy đến bắn chỉ thiên uy hiếp.
“Tình hình hết sức căng thẳng. Trong khi bên ngoài trại, bọn cai tù bắt loa kêu gọi mọi người phải giải tán, nhưng bên trong mọi người đều không giải tán, bắt loa làm bằng giấy kêu gọi phải thả ba người đã bị bắt trước, rồi mới đồng ý giải tán,” ông kể.
Ông kể tiếp: “Có lẽ tiếng hát tha thiết của người tù làm bọn Cộng Sản hoảng sợ, một lúc sau bọn chúng trả lại ba người đã bị bắt. Sau này mới biết đêm đó tiếng hát ở trại Suối Máu hòa cùng với tiếng hát của người dân ở bên ngoài trại đã vang xa đến nhà dân ở tận Hố Nai, và các đài BBC, VOA cũng tường thuật đầy đủ tin tức một tuần sau đó.” (Văn Lan) [qd]